Việc thu hút trăm ngàn tỷ đồng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, các quỹ và nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện mặt trời cho thấy, khi có mức giá hấp dẫn, dòng tiền sẽ tự đổ vào.
Trăm ngàn tỷ đồng làm điện mặt trời
Tới thời điểm 30/6/2019, cả nước đã có hơn 80 dự án điện mặt trời đủ điều kiện vận hành thương mại với tổng công suất 4.500 MWp. Song đó chưa phải là con số cuối cùng. Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, con số 4.500 MWp nằm trong tổng cộng 13.000 MWp điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch. Tính cả các dự án đã đầu tư xong, đã được bổ sung quy hoạch và đang chờ bổ sung quy hoạch, con số lên tới 321 dự án, với tổng công suất 26.000 MWp.
Theo số liệu được nhiều dự án điện mặt trời công bố, với quy mô 50 MWp, vốn đầu tư sẽ rơi vào 1.200 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng gần 4.500 MWp công suất đã hoàn tất đầu tư, ngành điện đã thu hút được khoảng 100.000 tỷ đồng (tương đương 4,6 tỷ USD) vốn đầu tư vào điện mặt trời chỉ trong 1,5 năm qua. Đáng nói, tất cả các nguồn vốn này đều đến doanh nghiệp tư nhân, quỹ đầu tư hay nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu quy mô điện mặt trời tiếp tục tăng lên và chạm mức 13.000 MWp đã được bổ sung quy hoạch, thì tổng số tiền đầu tư điện mặt trời có thể lên tới không dưới 200.000 tỷ đồng, tương đương 9 tỷ USD.
Việc dòng vốn tư nhân đổ mạnh vào điện mặt trời thời gian qua có tác động chính từ việc giá mua điện mặt trời được Chính phủ cho phép ở mức tương đương 9,35 UScent/kWh và áp dụng trong thời gian 20 năm, với những dự án vận hành trước ngày 30/6/2019. Mức giá này cao hơn giá nhiệt điện, thủy điện theo Khung giá phát điện 2019 do Bộ Công thương ban hành.
Khắc khoải chờ giá mới
Mặc dù đã qua thời điểm ngày 1/7/2019 được 1 tháng, nhưng mức giá chính thức cho điện mặt trời vẫn chưa được quyết trong cuộc họp ngày 30/7. Việc chậm trễ có giá mới cho điện mặt trời dự kiến chỉ áp dụng tới hết năm 2021, hay việc lưới truyền tải điện ở những khu vực có tiềm năng nhất vẫn đang quá tải tới sau năm 2020 khiến nhiều quỹ đầu tư nguội dần nhiệt huyết với điện mặt trời.
Để giải quyết phần nào khó khăn trong việc cấp điện, cần khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái nhà, do thời gian thi công nhanh, không cần phát triển hệ thống truyền tải, giảm tổn thất hệ thống truyền tải, tiết kiệm diện tích đất, huy động nguồn lực từ dân và doanh nghiệp vào đầu tư nguồn cấp điện. Bộ Công thương cũng đề nghị tiếp tục cho áp dụng mức giá điện 9,35 UScent/kWh cho các dự án điện mặt trời trên mái nhà trên địa bàn cả nước đến hết năm 2021.
Bộ Công thương kỳ vọng, sẽ có 100.000 hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt từ nay tới năm 2025, trong điều kiện chi phí lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái đang giảm mạnh, chỉ còn cỡ 20 triệu đồng/kWp, thay vì mức 50-60 triệu đồng/kWp cách đây khoảng 3 năm.
Giá điện – nút thắt cổ chai
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, thách thức trong giai đoạn tới của ngành năng lượng Việt Nam là thu hút được nguồn vốn đầu tư, ước tính khoảng 150 tỷ USD cho tới năm 2030. Chỉ tính từ năm 2010 tới nay, đã có 80 tỷ USD được đầu tư vào ngành điện ở các khâu phát điện, truyển tải và phân phối.
Dẫu vậy, tiêu thụ điện bình quân trên đầu người tại Việt Nam hiện đạt 1.700 kWh/người/năm, vẫn thấp hơn so với bình quân quốc tế và chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc, 1/5 của Australia.
Với thực tế kinh tế tăng trưởng mạnh và điều kiện của người dân tốt hơn, lượng điện tiêu thụ chắc chắn tiếp tục tăng, với mức tăng ước khoảng 8%/năm trong thập kỷ tới. Điều này cũng đặt ra thách thức mới trong huy động vốn cho phát triển năng lượng nói chung, đặc biệt là điện.
Theo tính toán được WB đưa ra, nhu cầu vốn cho phát triển điện từ nay tới năm 2030 là 150 tỷ USD. Tuy nhiên, nhu cầu huy động này đang gặp thách thức lớn, cụ thể nhất là giá điện ở dưới mức thu hồi chi phí và EVN không nhận được trợ cấp trực tiếp từ Chính phủ.
Chia sẻ câu chuyện này này, ông Franz Gerner, chuyên gia năng lượng cao cấp, Trưởng nhóm Năng lượng của WB tại Việt Nam cho hay, giá bán điện tại Việt Nam đang thuộp top giá rẻ, xếp thứ 21/93 nước được khảo sát, theo thống kê của Global Petrol Prices. Với giá 1.720 đồng/kWh, giá điện tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với Indonesia, Philippines, Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả Lào, Campuchia…
Ông Franz Gerner cho hay, giá điện trong tương lai cần phải thu hồi đầy đủ tất cả chi phí của ngành điện, gồm chi phí vận hành và bảo dưỡng, chi phí đầu tư, các nghĩa vụ trả nợ thông qua nguồn thu từ bán điện và mức giá này dự tính trung bình khoảng 11-12 UScent/kWh.
Thực tế dòng vốn đầu tư đổ vào các dự án điện mặt trời là minh chứng cho các nhận xét trên và nếu không có những cách thức tiếp cận rành mạch ở câu chuyện giá điện, chuyện thiếu điện chắc chắn sẽ diễn ra trong thời gian không xa.